Tin tức 24h - Suy sụp khi phát hiện mình bị ung thư

Đăng bởi Lê Bình on Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011 | 19:01

(Tạp Chí 24h - Tin Tức 24h) - Tôi muốn làm việc để giúp đỡ gia đình nhiều hơn, tôi muốn học xong chương trình văn bằng 2 ở trường, tôi muốn học thêm lớp đào tạo giảng viên để đi dạy thêm, tôi muốn có nhiều thời gian hơn cho bản thân và bạn bè. Tất cả như không còn gì cả, tất cả đối với tôi thế là chấm hết.


Tôi muốn làm việc để giúp đỡ gia đình nhiều hơn, tôi muốn học xong chương trình văn bằng 2 ở trường, tôi muốn học thêm lớp đào tạo giảng viên để đi dạy thêm, tôi muốn có nhiều thời gian hơn cho bản thân và bạn bè. Tất cả như không còn gì cả, tất cả đối với tôi thế là chấm hết.

Tôi phát hiện ra một điều không bình thường ở ngực, có một khối u nhỏ. Tôi cũng không quan tâm lắm vì có rất nhiều phụ nữ bị như vậy, tất cả đều lành tính. Với lại, công việc và việc học ở trường cũng khá bận rộn, tôi không có nhiều thời gian để đi đến bệnh viện khám.

Sau gần 2 tháng, tôi lại bị chứng đau nửa đầu hành hạ. Tôi thường xuyên bị triệu chứng này, nhưng lần này có vẻ nặng hơn, có những đợt đau làm tôi không chịu nổi. Nhưng tôi vẫn cứ chần chừ vì thời gian này tôi đang tham dự khóa học do cơ quan cử đi mà tôi rất thích, tôi đã phải phấn đấu nhiều để được tham dự.

Một tuần trôi qua, tôi quyết định đi khám, chủ ý của tôi là khám chứng đau đầu, vẫn còn nhiều thời gian nên tôi tiếp tục khám ngực. Siêu âm xong, bác sĩ bảo tôi phải đi chụp nhũ ảnh. Tôi thắc mắc, vì những lần trước chỉ siêu âm là đủ, được bác sĩ giải thích là chụp thêm nhũ ảnh để kiểm tra kỹ hơn, tôi cũng an tâm.

Một loạt các xét nghiệm tiếp theo: chọc kim, sinh thiết, tôi thấy hơi lo. Công việc quá nhiều, tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ, bác sĩ hẹn tuần sau sẽ trả lời kết quả sinh thiết. Tôi ra về, đến hẹn, bác sĩ lại hẹn ít ngày nữa, tôi đâm lo.

Cuối cùng cũng có kết quả, tôi được mời đến bệnh viện nơi tiến hành xét nghiệm để trả kết quả, linh tính có chuyện không lành nhưng tôi vẫn cố gắng giữ bình tĩnh. Đến nơi, có một bác sĩ chuyên khoa tư vấn, giải thích, động viên và an ủi về bệnh của tôi. Bác sĩ cho tôi một giấy giới thiệu sang Bệnh viện Ung bướu để điều trị, và hướng dẫn cho tôi chi tiết về việc chuyển viện từ nơi đăng ký ban đầu để được hưởng bảo hiểm y tế.

Trời đất như suy sụp, tôi bị ung thư vú khi mới 28 tuổi, chưa lập gia đình và còn rất nhiều việc tôi muốn làm nhưng chưa làm được. Tôi muốn làm việc để giúp đỡ gia đình nhiều hơn, tôi muốn học xong chương trình văn bằng 2 ở trường, tôi muốn học thêm lớp đào tạo giảng viên để đi dạy thêm, tôi muốn có nhiều thời gian hơn cho bản thân và bạn bè. Tất cả như không còn gì cả, tất cả đối với tôi thế là chấm hết.

Tôi khóc trên đường về cơ quan, khóc nhiều lắm, tôi chạy xe như lập trình sẵn, không thể nghĩ được gì. Hôm đó, tôi bị anh giao thông thổi phạt vì lấn tuyến, tôi cũng chẳng quan tâm. Nhưng thấy tôi khóc, anh công an dễ thương ấy cũng không nỡ phạt tôi. Tôi tiếp tục đi trên đường, xe vẫn cứ chạy, tôi không ý thức được việc lái xe của mình nữa.

Về cơ quan, tôi làm các thủ tục bàn giao hồ sơ và những công việc cần thiết khác cho chú giám đốc. Tôi nhận được sự an ủi, động viên tinh thần từ chú. Chú giới thiệu cho tôi một người cháu của chú là bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Ung bướu, tôi cũng phần nào an tâm hơn về đoạn đường tiếp theo. Gia đình tôi là nông dân ở quê, ba mẹ tôi quanh năm chỉ biết công việc đồng áng, nói gì đến việc quen được một bác sĩ. Thế là khởi đầu cũng khá suôn sẻ, tôi nghĩ vậy và tự an ủi mình.

Tối hôm đó, tôi phải vào bệnh viện thăm cháu, bé đang nằm viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bé mới mổ 2 ngày trước. Thực sự tôi rất đau lòng khi phải nói cho gia đình biết chuyện này. Gia đình tôi trước nay sống rất yên bình, mọi người rất yêu thương nhau. Với căn bệnh ung thư này, đó là một sự khủng khiếp không thể tả. Tôi nói cho anh hai biết, anh cũng sốc. Hai anh em tìm cách nói với mẹ, rồi nói với cha, cô tôi.

Tôi chỉ dám nói tôi bị khối u ác tính, phải tiến hành phẫu thuật gấp. Mẹ khóc, tôi thấy thương mẹ quá, gia đình tôi gặp quá nhiều sóng gió trong cùng một thời gian, tôi sợ mẹ không chịu nổi. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh để trấn an mẹ, tôi cố gắng nói sang chuyện khác, cố gắng nói giảm hơn về bệnh của mình, tôi tránh hẳn không dùng từ ung thư khi nói chuyện với mẹ.

Mẹ cũng không thể biết được bệnh này là như thế nào, chỉ biết là sẽ phải phẫu thuật. Tôi cũng không suy nghĩ gì nhiều, tôi nghĩ đến đâu hay đến đó, tôi sẽ phải điều trị. Bác sĩ đã cho tôi biết quá trình điều trị là như thế nào: phẫu thuật một phần hoặc toàn bộ ngực, hóa trị, xạ trị. Toàn những từ mà trước nay tôi chưa từng nghe qua, tôi phát hoảng nhưng phải cố gắng giữ bình tĩnh.

Tôi không những sẽ phải trấn an mẹ mà còn phải trấn an những người khác trong gia đình. Gia đình tôi xưa nay chưa ai phải đối mặt với căn bệnh ung thư, giờ thực sự là một cú sốc. Tôi đi cùng một người bạn gái đến Bệnh viện 175 để làm thủ tục chuyển viện nhưng bác sĩ ở đây không cho phép. Họ bảo là họ chữa được và họ sẽ tiến hành cắt bỏ toàn bộ ngực, sau đó sẽ hóa trị, xạ trị và sẽ tái tạo ngực cho tôi. Tôi hoang mang lắm, không biết phải làm như thế nào.

Tôi tiếp tục đi đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bác sĩ ở đây lại bảo là sẽ phẫu thuật cắt bỏ khối u và tiến hành xét nghiệm, nếu lành tính thì không sao, nếu là ung thư thì phẫu thuật toàn bộ và tiến hành các đợt điều trị tiếp theo. Tôi rất lo, nhưng bạn bè đều khuyên là nên đến Bệnh viện Ung bướu để khám sẽ chuyên khoa hơn.

Tối đó, tôi đến nhà bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu, ông khuyên tôi nên nhập viện sớm. Một ngày đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, tôi như không còn sức để đi tiếp. Tôi cố gắng trấn an mình, rằng mọi chuyện cũng đã xảy ra rồi, tôi sẽ phải bình tĩnh và sáng suốt để chọn cho mình con đường hợp lý nhất, tốt nhất cho mình. Chính tôi sẽ phải là người ra quyết định cho cuộc đời mình.
Lúc đó tôi rất bình tĩnh, tôi cũng không nghĩ là mình có nhiều nghị lực đến vậy. Cũng có thể lúc đó tôi không chấp nhận sự thật là tôi bị ung thư, có thể tôi nghĩ là bác sĩ đã chuẩn đoán sai, có thể tôi chưa tưởng tượng được sự nguy hiểm của căn bệnh ung thư này, rồi những đau đớn và khó khăn trong quá trình điều trị, và cũng có thể vì tôi không muốn gia đình và bạn bè phải lo lắng nhiều cho mình.

Quyết định đến Bệnh viện Ung bướu để điều trị, tôi liên lạc với bác sĩ là cháu của chú giám đốc và được ông ấy giúp đỡ rất tận tình. Sau một tuần đi theo lịch hẹn của bác sĩ: khám bệnh, hội chẩn, tôi được bác sĩ cho biết là có thể phẫu thuật bảo tồn cho tôi, nhưng vẫn phải phẫu thuật cắt bỏ hạch nách. Tôi như không tin vào tai mình nữa, thực sự đây là một tin rất vui. Tôi không dám báo với gia đình vì sợ có sự nhầm lẫn. Đến ngày lên lịch mổ, tôi mới thực sự tin, tôi cảm thấy rất vui, và hy vọng là mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

Sau hai tuần tiếp tục chuyển qua điều trị tại khoa ngoại, cũng hai tuần này, tôi xem bệnh viện như là nhà. Ra vô bệnh viện, tôi xem đó giống như là chuyện thường ngày, giống như tôi đi làm hàng ngày vậy. Bác sĩ cho biết tôi sẽ phải hóa trị 6 đợt và xạ trị nữa, tôi đã chuẩn bị tinh thần để tiếp nhận những thông tin này, tôi chỉ muốn thời gian này trôi qua thật nhanh mà thôi.

Tôi tích cực tìm hiểu các thông tin trên báo, đài, Internet và cả những người bệnh cùng phòng với tôi, hay bất kể ai tôi có thể tiếp xúc trong bệnh viện. Cho dù thế nào thì tôi cũng sẽ phải chiến đấu, vẫn sẽ phải đối mặt. Cho nên thay vì lo lắng làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, thay vì cứ buồn rầu thì tôi sẽ vững vàng đi tiếp, vì tôi luôn có những người thân yêu bên cạnh.

Có được toa thuốc cho lần hóa trị đầu tiên, tôi đến phòng “thuốc độc” để nhận thuốc. Cầm bao thuốc trên tay, tôi bắt đầu đọc những dòng hướng dẫn, tôi xem rất kỹ những tác dụng phụ có thể có của thuốc: buồn nôn, rụng tóc, rối loạn nhiễm sắc thể… Tôi bắt đầu thấy sợ, tôi sẽ phải tiêm một cách chủ động những lọ thuốc độc này vào người, tất cả là 12 lọ: có 4 lọ màu đỏ làm tôi thấy rùng mình. Tôi thoáng nghĩ đến những người tù bị tiêm thuốc độc.

Lần hóa chất đầu tiên, tôi đã vật vã suốt ba ngày trời, ăn hay uống vào đều bị ói ra hết, nhưng vẫn cứ phải ăn để có cái mà ói ra, ói liên tục. Tất cả phương pháp mà báo, đài, hay bất kỳ ai chỉ tôi đều áp dụng nhưng chẳng ăn thua gì. Cứ nghĩ đến những từ như là thuốc độc, ung thư, tôi đều thấy buồn nôn, thậm chí chỉ nhìn thấy vỏ thuốc thôi tôi cũng đã không chịu nổi.

Tôi không nói được lời nào, chỉ mỉm cười khi mở mắt ra, thấy ánh mắt mẹ, cha hay ai đó nhìn tôi. Đối với tôi, những ngày đó sống cũng không bằng chết nhưng thấy cha mẹ luôn bên cạnh, thằng em út thì nằm bẹp dưới giường để canh chừng tôi, tôi biết rằng mình không được gục ngã mà phải cố gắng chống chọi với giai đoạn khó khăn này.

Ngày thứ tư, thứ năm, tôi thấy khỏe hơn và ăn được chút ít. Tôi lấy lại được tinh thần và thèm ăn đủ thứ. Người ta nói tôi còn thèm ăn tức tôi chưa chết được, cơ thể tôi vẫn có thể dung nạp được những chất tôi ăn vào. Không biết có cơ sở khoa học không nhưng tôi thấy cũng vui, dù sao đó cũng là lời an ủi dễ thương.

Hết một tuần, tôi bắt đầu đi làm lại, mọi chuyện có vẻ khá hơn. Tôi bắt đầu ăn uống bình thường và thấy dễ chịu hẳn. Việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, tôi sẽ phải hạn chế đi xe máy, tập dần đi xe buýt. Trước đây tôi bị say xe nhưng cũng may là mấy ngày nay không sao hết. Tôi quan niệm ở hiền gặp lành, và đúng vậy, trong cái rủi còn có cái may, thời gian qua rất khó khăn cho tôi và cho cả gia đình, nhưng tôi luôn được giúp đỡ bởi những người cả quen biết, cả không quen biết. Điều đó cũng an ủi tôi rất nhiều.

Giờ đây, tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tôi chú ý sức khỏe của mình nhiều hơn, chú ý hơn đến những cảm xúc của bản thân, cố gắng giữ bình tĩnh và sống thật thoải mái về tinh thần. Trước mắt là để chống chọi với những đợt hóa chất tiếp theo và cả giai đoạn xạ trị nữa. Một phần vì chính bản thân tôi, phần nữa là vì những người thân, bạn bè luôn bên cạnh, chia sẻ và động viên lúc tôi suy sụp nhất.

Tôi tin là nếu cố gắng sống tốt, sống lành mạnh và sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình, xã hội thì cho dù sau này có ra sao tôi cũng không hối tiếc. Cuộc sống này có rất nhiều chông gai. Sinh, lão, bệnh, tử ai cũng phải trải qua, có chăng là cấp độ ít hay nhiều, nhanh hay chậm mà thôi. Ai gặp trước thì sau khỏi gặp, tôi phải sống trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, trước mắt là với căn bệnh của tôi.

Đây là lời khuyên mộc mạc và khá chân thành của bác tôi, người luôn bên cạnh để động viên tôi về mặt tinh thần. Tôi sẽ nhớ mãi ơn bác và sẽ sống thật tốt để không phụ lòng những người đã yêu thương tôi.
Phan Thị Cẩm Tú

Thể lệ cuộc thi viết 'Cú sốc đầu đời'
- Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự 16-35.
- Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.
- Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.
- Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.
- Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.
Chương trình do VnExpress.net, Ione.netCao đẳng thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8-15/11.








    •  






Nguồn: http://vnexpress.net 

Tags: Tap Chi 24h, Tin tức Tạp Chí, tin tuc 24h, Bóng Đá 24h, Làm Đẹp, Thời Trang 

Bài viết liên quan

0 nhận xét:

Đăng nhận xét